(Dân trí) - Đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp thực hiện giai đoạn 2010 - 2012 của Bộ GD-ĐT để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Công nghệ thông tin hiện nay.

Ông Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Bộ GD-ĐT cho biết như vậy tại Hội nghị Quốc gia “Phát triển nguồn nhân lực Công nghệ thông tin” tổ chức sáng 21/4 tại Hà Nội.
Sinh viên Trường đại học FPT.
Ông Ngọc cho biết, Việt Nam là một trong số ít nước có hệ thống mạng giáo dục hiện đại, miễn phí nối đến tất cả các trường phổ thông và mầm non và môn Tin học hiện nay đã là môn học chính khóa (bắt buộc) ở cấp THPT và là môn tự chọn ở cấp THCS và tiểu học. Tuy nhiên việc dạy tin học trong trường phổ thông còn nặng về tin học vì tin học. Về nguyên nhân, ông Ngọc cho biết, do khó tuyển dụng được người giỏi để làm giảng viên, giáo viên CNTT. Sự hợp tác giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp về CNTT đã có nhiều tiến bộ song còn có những hạn chế nên sinh viên, học sinh vẫn thiếu kỹ năng thực hành và các kỹ năng xã hội cần thiết khác. Kinh phí từ mục tiêu quốc gia về giáo dục cho nội dung đào tạo cán bộ tin học và đưa tin học vào nhà trường còn hạn chế. Bên cạnh đó, chưa đổi mới các môn thi tuyển sinh cho ngành CNTT. Do vậy, định hướng sắp tới là giáo viên các môn tự tích hợp CNTT vào trong môn học đó, chuyển hướng sang dạy khai thác và ứng dụng CNTT. Ông Ngọc cho biết, nhiệm vụ trọng tâm giải pháp về đào tạo nguồn nhận lực CNTT trong giai đoạn 2010 - 2012 là tiếp tục xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về CNTT trong giáo dục. Cụ thể, quy định và hướng dẫn ứng dụng CNTT trong trường học; quy định sử dụng tiếng Việt trong máy tính và biên soạn sách giáo khoa; quy định chuẩn kiến thức và kỹ năng về CNTT cho giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục; quy định về giáo dục trực tuyến cho mọi cấp học và sử dụng học bạ điện tử;  xây dựng mô hình trường học điện tử tiên tiến... Sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ thực hiện tổng điều tra, khảo sát nhân lực CNTT để đánh giá về số lượng, chất lượng, loại hình, bằng cấp ở một số cơ sở giáo dục. Xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo CNTT và các doanh nghiệp CNTT. Đẩy nhanh và sử dụng tiếng Anh trong đào tạo CNTT và một số môn học sẽ học bằng tiếng Anh. Xây dựng và triển khai đề án đào tạo nâng cấp, bổ sung giảng viên, giáo viên CNTT cho các trường ĐH,CĐ, TCCN và các trường nghề theo nhu cầu của các trường. Đặc biệt, mô hình tuyển sinh ngành CNTT, Điện tử - Viễn thông với 3 môn Toán, Lý và Ngoại ngữ. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT hiện nay cả nước mỗi năm có khoảng 10.000 chỉ tiêu tuyển sinh về đào tạo CNTT ở các trường ĐH, CĐ trong cả nước.

02:15:23 24/01/2013 - Lượt xem: 4587
Tin liên quan